Hậu trường Giải_hạn

Giải hạn nằm trong số đề án điện ảnh hưởng lợi từ Chương trình chấn hưng điện ảnh cấp nhà nước[3][4][5][6][7]. Nhà làm phim cố ý mô phỏng thi pháp Trương Nghệ Mưu trong Đèn lồng đỏ treo cao.

Bộ phim được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam XI (Hà Nội 1996), sau đó được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto ngày 07 tháng 09 năm 1997 dưới nhan đề Misfortune's end. Mặc dù thành công về nghệ thuật, nhưng Giải hạn không được công chúng nhiệt liệt đón nhận, khiến phim lâm tình trạng"đắp chiếu"một thời gian trước khi được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát đại trà trên VTV1.

Xem lại hàng trăm bộ phim Việt trong suốt chiều dài hơn bảy thập niên, tôi có thể nhận thấy rõ một điều là điện ảnh Việt Nam luôn ở tình trạng 'âm thịnh dương suy', hay nói cách khác, đó là một nền điện ảnh 'âm tính'. Điều này được thể hiện qua hình tượng các nhân vật nữ trong phim Việt luôn giữ vai trò chủ đạo và số phận của họ có chiều sâu, tạo được nhiều đồng cảm hơn với khán giả. Từ chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên đến chị Dịu trong 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm' (đều qua diễn xuất của Trà Giang), từ chị Nết (Như Quỳnh) trong 'Đến hẹn lại lên' đến chị Dậu (phim cùng tên) chị Duyên trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười' - đều với diễn xuất của Lê Vân - và một loạt những người phụ nữ khác trong thời chiến cũng như thời hậu chiến rồi cả trong thời hiện đại qua sự hóa thân của Minh Châu, Lê Vi, Hồng Ánh, Mai Hoa, Kiều Trinh... đều làm nên những hình tượng nhân vật nữ nổi bật của điện ảnh Việt.
Họ mạnh mẽ, chịu thương chịu khó và luôn tìm cách vượt qua nghịch cảnh nhưng chính họ lại không dám vượt qua hoặc bị trói chặt bởi những định kiến và lễ giáo của một xã hội trọng nam khinh nữ trước đây hay sự bất lực và thiếu vắng nam tính trong những năm gần đây. Nói như nhân vật Triệu (Lê Vi) trong bộ phim 'Giải hạn' (1996) của đạo diễn Vũ Xuân Hưng: Cả ở nhà, cả ở ngoài đời, không ở đâu tôi được sống như mình mong muốn cả. Triệu là hình ảnh khá nổi bật về phụ nữ 'kiểu mới', không cam chịu cảnh 'con rùa chui xó bếp' mà tự đứng lên đi tìm sự 'giải hạn' cho mình. Triệu phần nào giống như hình ảnh của một 'start-up' đang thịnh hành ngày nay; nhưng chính cô, cuối cùng lại không dám vượt qua thành trì cuối cùng (định kiến của xã hội) để đón nhận hạnh phúc mà cô đáng được hưởng.
— Kí giả Lê Hồng Lâm, Một nền điện ảnh 'âm tính' nên cứ mãi xoay quanh phụ nữ?[8]